Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2023

12:00 17/03/2023

Nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo, ngày 17/3/2023 tại Thành phố Quy Nhơn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2023.

Hội nghị cũng là dịp để toàn Ngành tăng cường kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với các Sở Khoa học và Công nghệ, giữa các địa phương với nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung là triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao, khoa học và công nghệ đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tham dự Hội nghị, về phía Bộ KH&CN có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc của 63 Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh, thành phố; đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, các cán bộ quản lý công tác ở các địa phương của các Sở KH&CN. Về phía tỉnh Bình Định có đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc có đồng chí Lương Văn Long, TUV, Giám đốc Sở KH&CN tham dự.
Theo Báo cáo tại Hội nghị của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2022, mặc dù hoạt động KH&CN của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm chỉ đạo của Bộ KH&CN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh/thành phố; sự chủ động, sáng tạo của các Sở KH&CN, ngành KH&CN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp hiệu quả, thiết thực cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy dự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Cơ chế, chính sách về KH, CN&ĐMST tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt là các văn bản liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) ; thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Tổ chức bộ máy được kiện toàn, sắp xếp bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường tính tự chủ, sáng tạo của đơn vị sự nghiệp KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN địa phương. Công tác đầu tư tài chính cho hoạt động KH, CN&ĐMST của các tỉnh/thành đã được quan tâm chú trọng. Hoạt động khởi nghiệp ĐMST, hệ sinh thái KNĐMST được quan tâm, đầu tư và phát triển mạnh mẽ tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch. Hệ thống bảo hộ, khai thác, phát triển và thực thi quyền SHTT; tiêu chuẩn, đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, góp phần phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu của khu vực và thế giới. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ được quan tâm đẩy mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng được tăng lên. Cơ sở hạ thầng kỹ thuật KH&CN tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Công tác thông tin, truyền thông về KH&CN tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức thông tin phong phú, góp phần đưa cơ chế, chính sách đổi mới về KH&CN được lan toả nhanh chóng. Hoạt động liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN ngày càng được chú trọng mở rộng. Các sản phẩm chủ lực, đặc trưng được quan tâm, chú trọng đầu tư, khai thác và phát triển; nhiều sản phẩm đã phát huy giá trị kinh tế cao, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương vẫn tồn tại những hạn chế như: việc ban hành một số văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN còn chậm, một số nội dung chưa thực sự phù hợp với thực tế ở địa phương; nguồn lực dành cho KH, CN&ĐMST từ ngân sách nhà nước mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế; cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN đã dần được đầu tư trang bị, nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ gây nhiều khó khăn trong khai thác và sử dụng; thị trường KH&CN còn nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy được vai trò của các tổ chức trung gian trong việc kết nối cung - cầu công nghệ; việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn chậm; nguồn nhân lực KH&CN của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KH, CN&ĐMST nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh nói chung; …
Nhằm triển khai Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh/thành phố; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; thực hiện mục tiêu thúc đẩy, ứng dụng mạnh mẽ KH,CN&ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phục hồi kinh tế, tạo động lực mới cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023, Bộ KH&CN đề nghị các Sở KH&CN các tỉnh/thành phố cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1- Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển bền vừng đất nước. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược phát triển KH, CN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng.
2- Chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh/thành phố bố trí nguồn ngân sách chi cho KH&CN trong kế hoạch phát triển KH&CN hàng năm đạt 2% tổng chi ngân sách ở địa phương theo quy định của Luật KH&CN.
3- Tăng cường hợp tác với các Đại học, Trường Đại học, các Viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các sản phẩm quốc gia, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển.
4- Triển khai, thực hiện chương trrình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thích ứug với biến đổi khí hậu,  phòng chống thiên tai để phát triển bền vững. Đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch và bảo vệ môi trường.
5- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vục KH&CN như: hoạt động nghiêu cứu và phát triển công nghệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; định và giám định công nghệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thông tin, thống kê cơ sở dữ liệu KH&CN; thanh tra và tăng cường hoạt động KH&CN cấp huyện.
6- Tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, ĐMST trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư tiềm lực cơ sở vật chất, hạ tầng cho các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN.
7- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST trong tương lai. Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, đào tạo, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia, cán bộ giỏi, có khả năng nghiên cứu, sáng tạo, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tạo sự phát triển đột phá cho các ngành, lĩnh vực mà địa phương có nhu cầu.
8- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH,CN&ĐMST. Mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác song phương, đa phươmg, tích cực trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn lực quốc tế.
Lê Thanh Tâm
Phó Giám đốc - Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Vĩnh Phúc