Đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; thường xuyên tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không vi phạm hành trình chạy xe, chạy quá tốc độ cho phép, chở quá tải, sang nhượng bán khách dọc đường, ép giá khách...
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ cuối năm 2018, Ban quản lý bến xe khách Vĩnh Phúc đã chỉ đạo bến xe khách các huyện, thành phố bố trí bộ phận trực, chỉnh trang bến xe, niêm yết đầy đủ thông tin về lịch xe chạy, giá vé, hình thức bán vé trên các tuyến để hành khách chủ động lựa chọn hành trình đi. Đồng thời, phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra điều kiện an toàn của người lái, phương tiện trước khi xuất bến; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, xe chở quá số người quy định.
Trên cơ sở đăng ký tăng xe, tăng chuyến của các đơn vị vận tải, Thanh tra Sở Giao thông sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, Y tế, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, kiểm dịch động vật, đảm bảo giữ gìn trật tự, an ninh trong hoạt động vận tải tại khu vực các bến xe, trên các phương tiện vận tải và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết bằng xe buýt, hiện Công ty cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc, Công ty liên doanh vận tải hành khách Vĩnh Phúc và Công ty TNHH thương mại và xây dựng Việt Dương đã xây dựng phương án về phương tiện, người lái, biểu đồ vận hành và sẵn sàng tăng chuyến. Hiện Vĩnh Phúc có 8 tuyến xe buýt, với gần 80 đầu xe. Trên thực tết, nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết nguyên đán không nhiều biến động so với ngày thường, thậm chí vào những ngày mùng 2, mùng 3, mùng 4 Tết, số người lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại còn ít hơn ngày thường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt vẫn duy trì lịch trình chạy xe như ngày thường và chỉ nghỉ hoạt động ngày mùng 1 Tết.
Theo: Lê Vân (vinhphuc.gov.vn)